Ai trong mỗi chúng ta cũng cần phải có “ít nhất” hai công việc để làm, bạn có biết đó là những công việc gì không?
Một công việc luôn đảm bảo kiếm ra thu nhập để có thể nuôi sống được bản thân. Công việc còn lại chính là làm vì đam mê. Hai công việc này rất quan trọng và nó hỗ trợ cho nhau. Nếu một trong hai công việc trên bị mất cân bằng, bạn sẽ rơi vào trạng thái bế tắc (thậm chí còn trở nên trầm cảm), nhưng nếu bạn biết sắp xếp thời gian hợp lý, chắc chắn mỗi ngày trôi qua của bạn đều có ý nghĩa.
Chuyên đề: Ai Cũng Cần Phải Có Ít Nhất Hai Công Việc Để Làm | Chuyên mục: Trà Chiều Cùng Chuyên Gia | Chuyên gia đồng hành: Coach Công Phạm – Người Viết Tình Thương.
Bạn thân mến! chào mừng bạn đến với bài viết đầu tiên của TLW với chủ đề như trên. Trước khi đến với nội dung của buổi chia sẻ hôm nay, cho phép Công Phạm được giới thiệu đôi chút về bản thân dành cho những ai lần đầu ghé thăm trang Blog nhé.
Mình là Coach Công Phạm – Người Viết Tình Thương (ở nhà gia đình gọi là Long), sinh năm 1996 và thuộc cung Song Ngư. Quê hương của mình ở “Đất Ngọc Lục Yên” nổi tiếng với khu “chợ đá quý” bạc tỷ có tuổi đời hơn 30 năm. Mình có sở thích viết lách và đó là lý do vì sao bạn thấy bài viết này. TLW là trang blog mình sáng lập nên vào ngày 24/4/2024 & xem nó như đứa con tinh thần đầu tiên của mình. Đây sẽ là một kênh truyền thông bổ ích chia sẻ những kiến thức “chuẩn” về tình yêu, hôn nhân và gia đình.
Bạn biết không? Chuyện tình yêu luôn là chủ đề khiến con người ta phải “tò mò” tìm hiểu, nhưng khi bước chân vào nhiều người lại yêu theo bản năng, từ đó dễ khiến tình yêu đi vào “ngõ cụt”, thậm chí còn mang lại “nỗi khổ – niềm đau” cho chúng ta.
Về bản chất của tình yêu theo như Công Phạm cảm nhận: nó tuyệt vời lắm! Nhưng chính người trong cuộc lại phức tạp hóa mọi chuyện lên rồi biến tình yêu trở thành nỗi ám ảnh sau mỗi lần chia tay. Vậy để có được một tình yêu đúng nghĩa (Yêu nhẹ nhàng để một đời bình an) bạn cần phải có những kiến thức đúng đắn. Khi bạn trang bị đủ các kỹ năng cho hành trình hẹn hò sắp tới của mình, một điều hiển nhiên sẽ tìm đến, đó là hạnh phúc.
Bởi thế, Công Phạm đã quyết định chọn lĩnh vực “tình yêu” để nâng cao chuyên môn hơn mỗi ngày nhằm gửi gắm đến bạn đọc những bài viết chất lượng nhất.
…
Hy vọng với một vài chia sẻ bên trên đã giúp bạn hiểu hơn về Công Phạm. Còn bây giờ chúng ta sẽ đi luôn vào buổi chia sẻ ngày hôm nay nhé!
Lâu lắm rồi Công Phạm mới quay trở lại với viết lách, một phần vì bận với mưu sinh, phần khác vì những nỗi đau đã được “chữa lành” hoàn toàn nên Công Phạm dừng lại phương pháp “viết nhật ký” và ưu tiên cho các hoạt động khác như: dành thời gian về Yên Bái thăm gia đình, chạy giao hàng kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống “đắt đỏ” tại Hà Nội, buổi tối về nhà nấu ăn, thư giãn, đọc sách, vv…
Và đặc biệt bắt đầu từ tháng 6/2024 này, Công Phạm sẽ dành toàn bộ thời gian buổi tối để tập chung cho việc ôn& thi đại học.
Bạn biết không? Với một người xuất phát muộn như vậy, chắc chắn phải nói đó là một lợi thế. Bởi 10 năm sau khi tốt nghiệp phổ thông (2014 – 2024), bản thân Công Phạm đã tích lũy cho mình nhiều trải nghiệm, thấu hiểu chính mình hơn bất kỳ ai, trưởng thành hơn, sâu sắc hơn, hiểu được giá trị đồng tiền trong xã hội, vv… Vậy nên, khi lựa chọn quay trở lại với giảng đường đại học, Công nhận thức rõ được mục đích của việc học, từ đó biết chịu trách nhiệm cho hành trình rèn luyện “chuyên môn” của mình. Chuyên ngành Công Phạm chọn liên quan đến lĩnh vực xã hội& nhân văn, đó là “tâm lý học”, cụ thể sẽ đi sâu vào chuyên môn “tham vấn, trị liệu” trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình.
Để đưa ra quyết định cho chuyên ngành này, Công Phạm chia sẻ thật với mọi người là phải đánh đổi bằng những trải nghiệm về nỗi đau với “cái giá” rất đắt. Nhưng chính những biến cố trong chuyện tình cảm liên tiếp “ập đến” vào những năm 2021 ấy đã giúp Công Phạm vượt lên chính mình, ngày càng hoàn thiện bản thân hơn & sống một cuộc đời giá trị.
Ngay trong những cơn bão tố của lòng mình, Công đã “le lói” lên ý tưởng về việc mình sẽ học một chuyên ngành “chính quy” nào đó để có thể thấu hiểu hết những vấn đề tâm lý & nhận thức của con người. Công Phạm nghĩ nếu mình dành thời gian liên tục cho việc học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm, vv… chắc chắn một ngày nào đó mình sẽ trở thành “chuyên gia” trong lĩnh vực tình yêu, hôn nhân và gia đình. Nhưng tuyệt đối không phải vì nắm bắt tâm lý “thân chủ” mà mình dùng nó vào những mục đích thao túng, lừa đảo, hay bất chính. Hơn hết, mình hiểu rõ mục đích của việc “học tâm lý” là để phụng sự hay giúp đỡ cho người khác thoát ra khỏi những bế tắc “vô hình” ngăn cản họ tìm đến với hạnh phúc.
TẠI SAO AI CŨNG CẦN PHẢI CÓ “CÔNG VIỆC” ĐỂ LÀM?
Cho dù bạn là đàn ông hay phụ nữ hãy có ý thức độc lập và kiếm cho mình một công việc để làm. Việc có thứ gì đó để làm không những giải quyết được vấn đề tự chủ tài chính của bản thân, mà nó còn là sự “tự tôn” của bạn. Ít nhất khi có công việc bạn sẽ không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai, bạn cũng sẽ có nhiều hơn một lựa chọn cho các quyết định trong cuộc sống.
Tại sao nói công việc là sự tự tôn? Bởi nếu không có việc làm mà bạn cũng chẳng thể lo nổi cho bản thân, sống dựa dẫm vào người khác thì điều đó chẳng phải đáng lên án lắm hay sao? Liệu sống như thế “lòng tự trọng” của bạn còn tồn tại hay không? Công việc là thứ quan trọng và nó nói lên “đạo đức” của bạn.
Có thể chuyên môn, năng lực, kỹ năng của mỗi cá nhân là khác nhau nhưng sẽ luôn có những công việc phù hợp dành cho bạn. Và bạn cũng là người quyết định mình sẽ làm công việc gì trong tương lai bởi vận mệnh nằm gọn trong tầm tay bạn. Cho dù ở bất kỳ ngành nghề gì? địa vị thế nào? môi trường làm việc ra sao? Công việc nào cũng đáng được trân quý và biết ơn.
Một cô lao công quét rác lúc khuya muộn vào buổi tối để ban ngày đường phố trở nên sạch – đẹp hơn, họ nên được vinh danh “ít nhất” một lần trong đời. Một người nông dân “tần tảo sớm hôm” ngoài đồng chỉ để chúng ta có được hạt cơm ăn hằng ngày. Sẽ ra sao nếu một ngày không có gạo để nấu cơm? Vậy là chúng ta cần phải biết ơn những người nông dân. Một người làm truyền thông, nếu không có họ làm công việc truyền tải đi những thông điệp tử tế và tích cực đến mọi người, thử hỏi khi đó bạn có thể giúp đỡ được nhiều người đến như vậy không? Một người với vai trò “diễn giả” đứng trên sân khấu cũng chỉ muốn mang đến cho khán giả của mình những giá trị đích thực, nhân văn. Vậy nên, hãy trao cho họ những giải thưởng để khích lệ, động viên.
Ngoài ra, khi bạn có công việc “mưu sinh” để làm cũng là lúc bạn cho phép những nỗi đau được “lắng” xuống, bởi cuộc sống còn quá nhiều thứ phải lo toan, nếu chúng ta không học cách “chấp nhận” thì sẽ khó có thể chữa lành vết thương lòng.
Chấp nhận một sự thật là chúng ta đang bị ĐAU, nhưng nỗi đau đó chưa là gì so với thất nhiệp hay không có việc làm. Hãy gác lại điều đó để có một công việc ổn định, từ đó chăm sóc cho bản thân thật tốt, bởi chỉ khi mình biết thương mình đủ lớn, mình mới có thể lo toan được cho gia đình.
Có thể cái người gây ra nỗi đau cho bạn khi ấy quan trọng, nhưng gia đình bạn – họ cũng cần được yêu thương. Hãy quan tâm đến họ khi còn có thể, bạn nhé!
TẠI SAO PHẢI LÀM “ÍT NHẤT” HAI CÔNG VIỆC?
Ai trong mỗi chúng ta cũng cần phải có “ít nhất” hai công việc để làm, bạn có biết đó là những công việc gì không?
Một công việc luôn đảm bảo kiếm ra thu nhập để có thể nuôi sống được bản thân. Công việc còn lại chính là làm vì đam mê. Hai công việc này rất quan trọng và nó hỗ trợ cho nhau. Nếu một trong hai công việc trên bị mất cân bằng, bạn sẽ rơi vào trạng thái bế tắc (thậm chí còn trở nên trầm cảm), nhưng nếu bạn biết sắp xếp thời gian hợp lý, chắc chắn mỗi ngày trôi qua của bạn đều có ý nghĩa.
Khi chúng ta nói thực hiện “ước mơ” nghĩa là chúng ta phải duy trì “đủ” hai công việc cùng một lúc. Một công việc mưu sinh giữa dòng đời tấp nập, một công việc làm vì đam mê mà chẳng bao giờ thấy mệt mỏi hay kêu than nửa lời. Và cho dù là công việc nào đi chăng nữa, hãy chọn những việc mà bạn “muốn làm”, bởi đó là phần việc của bạn. Không ai bắt chúng ta phải làm một công việc nào đó trừ khi năng lực hay bằng cấp của chúng ta không đáp ứng đủ nhu cầu bản thân.
Nếu như bạn có thể vừa làm việc mình đam mê mà vẫn kiếm ra thu nhập thì đó là một điều tuyệt vời. Bởi lúc này “ước mơ” của bạn đã trở thành sự thật. Nhưng trước khi ước mơ đó được hiện thực hóa, mọi người đều phải trải qua giai đoạn như trên. Thậm chí, nhiều hơn hai công việc thì càng tốt bởi lao động là vinh quang. Nhiều người sống thuận duyên quá cũng không tốt, sinh ra trong gia đình giàu có, bố mẹ chu cấp hết mọi thứ, chỉ biết hưởng thụ thì đến một ngày nào đó, họ sẽ phải học “bài học” về việc ai cũng cần phải có “ít nhất” hai công việc để làm.
Từ xa xưa, ông bà ta có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”. Theo bạn, ý nghĩa của câu nói trên là gì? Ba đời có phải là thước đo cho một gia đình giàu sang hay nghèo khó không? Tại sao trong một gia đình “sự giàu có” lại không duy trì mãi? hay “cái nghèo đói” có tồn tại vĩnh cửu với thời gian không?
Và đây là câu trả lời đến từ “chuyên gia” Công phạm: Như một quy luật của tự nhiên là vô thường rồi mọi thứ sẽ phải thay đổi (còn đổi theo hướng nào thì chính chúng ta là người quyết định).
Trong một gia đình mà sự giàu có được duy trì liên tục thì càng về sau, con người càng được hưởng thụ nhiều, từ đó sinh ra “rảnh rỗi”. Mà bạn biết rảnh thường tạo ra điều gì tiếp theo không? Chính xác là sự “nông nổi” (Người ta nói: rảnh sinh nông nổi) rồi sa đà vào những thú vui không đáng có. Cuối cùng lại trở nên trắng tay.
Còn những gia đình sống trong sự nghèo khổ & lạc hậu mãi thì sẽ đến một ngày không xa, chắc chắn phải có “một thành viên” trong gia đình đó “buộc” phải đứng lên thay đổi và làm khác đi, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hiện tại của chính họ và các thế hệ sau.
Vậy nên, “giàu ba họ” chớ mừng vội vì có thể đến đời tiếp theo, bạn lại nghèo. Còn nghèo mãi thì cũng đừng buồn, chắc chắn một lúc nào đó – ai đó sẽ đứng lên thay đổi hoàn toàn gia cảnh của bạn.
Cảm ơn bạn đã đọc đến những dòng tâm sự cuối cùng. Công Phạm cùng đội ngũ TLW chúc bạn luôn bình an và hạnh phúc trong cuộc sống.